Phương pháp hay nhất
Những điều nên và không nên khi chụp ảnh nghệ sĩ
Một nhiếp ảnh gia dày dạn kinh nghiệm chia sẻ các mẹo và thủ thuật để có được bức ảnh hoàn hảo.
Người xưa có câu: "Một bức hình đáng giá bằng cả ngàn lời nói". Theo Misha Vladimirskiy, một bức ảnh cũng có thể đáng giá bằng cả ngàn lượt nghe. Không có gì ngạc nhiên khi một nhiếp ảnh gia và người hâm mộ âm nhạc nhiệt thành như Vladimirskiy đôi khi lại nghe nhạc của một nghệ sĩ chỉ vì anh ấy thích ảnh đại diện của họ trên Spotify – và anh ấy không phải là người duy nhất.
Anh thừa nhận: "Tôi thuộc nhóm số ít làm điều này bởi vì hình ảnh là thứ hấp dẫn tôi". Tuy nhiên, anh cũng khẳng định rằng những nghệ sĩ không dành thời gian chăm chút hình ảnh đang bỏ lỡ cơ hội thu hút người hâm mộ. "Một bức ảnh thực sự rất quan trọng trong hoạt động tiếp thị và quảng bá, bởi vì đó cũng là thứ mà mọi người có thể sẽ đăng trên hồ sơ của họ và chia sẻ. Và nếu bức ảnh của bạn trông 'không ra sao' thì sẽ chẳng có ai chia sẻ hình ảnh của bạn cả".
Vladimirskiy bắt đầu sự nghiệp với việc lập kế hoạch và quảng bá cho các buổi tiệc, ghi hình tại các hộp đêm của bạn bè ở San Francisco và cuối cùng chuyển sang lĩnh vực nhiếp ảnh. Anh ấy là một trong những người đầu tiên chụp ảnh cho Lady Gaga, đã thực hiện các buổi chụp hình chân dung và chụp hình trực tiếp cho nhiều nghệ sĩ, từ Phoenix đến The Rolling Stones. Anh cũng là nhà đồng sáng lập công ty sáng tạo FilterlessCo. Trong khi các nghệ sĩ thành danh thường được đào tạo về phương tiện truyền thông và "biết việc cần làm", Vladimirskiy đã quen đào tạo những người ít kinh nghiệm hơn trong quá trình này. Đương nhiên, anh ấy sẽ đưa ra những ý tưởng của riêng mình, nhưng anh cho rằng điều tuyệt vời nhất là khi nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia thực sự cộng tác.
Anh nói: "Việc họ muốn gì là chuyện của họ. Tôi thì nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là phải tin tưởng vào bản thân, với tư cách là một nghệ sĩ. May mắn là nhiều ban nhạc thực sự có tầm nhìn. Đôi khi, tầm nhìn đó hơi lệch và bạn phải điều chỉnh lại cho đúng".
Anh thừa nhận rằng nhờ sự bùng nổ của máy ảnh kỹ thuật số mà "mọi người đều là nhiếp ảnh gia". Nhưng anh vẫn cho rằng việc bỏ tiền thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn đáng giá. "Bạn có thể nhận ra. Không phải lúc nào cũng vậy nhưng bạn có thể nhận ra khi họ lựa chọn cách ít tốn kém hơn". Có rất nhiều chuyên gia nhiếp ảnh trẻ đang cố gắng xây dựng hồ sơ năng lực và sẽ sẵn sàng làm việc chỉ với vài trăm đô la. Vì vậy, cho dù bạn vừa ký hợp đồng đầu tiên hay đang tải đĩa đơn đầu tiên lên, hãy tham khảo những chia sẻ dưới đây của Vladimirskiy về thông tin cần lưu ý và cạm bẫy cần tránh khi thuê nhiếp ảnh gia. (Chính là anh đấy, tường gạch.)
Dành thời gian làm quen với nhiếp ảnh gia của bạn
Mỗi nghệ sĩ đều có nét cá tính riêng, điều đó đúng cho cả nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia. Vì vậy, Vladimirskiy khuyên bạn nên dành chút thời gian và trò chuyện với nhiếp ảnh gia để đảm bảo hai bên hiểu nhau trước khi họ bấm máy.
"Đừng chọn ai đó chỉ bởi họ nổi tiếng. Hãy tìm người mà bạn thực sự thích và phù hợp với bạn", Vladimirskiy nói. "Sau đó, gặp gỡ và trò chuyện với họ. Chỉ vì bạn thích tác phẩm của ai đó không có nghĩa là họ sẽ là người bạn muốn làm việc cùng. Phong cách của họ có thẻ khiến bạn không thoải mái và rồi các bức ảnh sẽ không được như ý".
"Bạn có thể đang vội nhưng cũng nên dành chút thời gian để chia sẻ về hình ảnh và thông điệp bạn muốn truyền tải, thay vì vội vàng chọn lựa. Điều này đôi khi xảy ra nhưng không hiệu quả", Vladimirskiy nói. "Tôi thực sự chán ghét khi họ nói: 'Anh có 5 năm phút'. Và rồi bạn trả lời: 'Cảm ơn anh bạn'". Khi bạn và nhiếp ảnh gia của mình có quan hệ tốt, bạn không chỉ có được những bức ảnh đẹp hơn, mà hai bên còn có thể có mang lại nhiều lợi ích cho nhau mà bạn không thể biết trước được.
"Nhiếp ảnh gia đó có thể đã chụp rất nhiều ảnh cho một tạp chí vô cùng nổi tiếng hoặc một thương hiệu thực sự lớn", anh nói. "Người quản lý của bạn thậm chí có thể không biết điều đó. Rồi đột nhiên, bạn nhận được một cuộc điện thoại vì anh chàng đó đang chụp ảnh cho một chiến dịch của Nike và anh ta nói: 'Tôi yêu các bạn'. Bạn không thể biết trước được".
Giữ vững lập trường của bạn
Vladimirskiy đã tận tai nghe những câu chuyện kinh hoàng, từ việc các ban nhạc cảm thấy bị áp lực khi mặc những bộ đồ thời trang cao cấp cho các buổi chụp hình tạp chí, cho đến việc các nhiếp ảnh gia thực hiện những ý tưởng sáng tạo kỳ quặc nhất với khách hàng. Điều này thường không xảy ra "nhưng các ban nhạc vẫn sẽ đồng ý thử trong 10% trường hợp. Tất nhiên là họ đã phải hối tiếc". Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể từ chối.
Ngoài ra, đừng cảm thấy bạn cần phải chịu đựng những bình luận hoặc hành động thiếu tôn trọng khiến bạn khó chịu.
"Tôi đã thấy điều đó xảy ra. Nhiếp ảnh gia nói điều gì đó và ban nhạc phản ứng kiểu như: 'Ồ, ồ, được rồi'", anh nói. "Điều đó thường xảy ra khi có nữ ca sĩ và nhiếp ảnh gia (dù là đàn ông hay phụ nữ) sẽ nói những điều thực sự kỳ quái. Và rồi mọi thứ xấu đi". Hãy nhớ rằng bạn đang trả tiền thuê họ làm việc và bạn không việc gì phải chịu đựng những hành vi tồi tệ. "Bạn phải luôn cảm thấy thoải mái trên trường quay. Hãy đảm bảo bạn không bao giờ cảm thấy như có ai đó không lắng nghe ý kiến của bạn và đang làm điều mà bạn thực sự không muốn họ làm".
Hãy là chính bạn chứ không phải ai khác.
Bạn muốn mình lung linh nhất trong bức ảnh. Nhưng bạn cũng muốn là chính mình. Vladimirskiy nói rằng việc tạo dáng và suy nghĩ trước về các lựa chọn trang phục sẽ rất hữu ích. Tốt nhất là bạn nên chụp ảnh để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, chứ không phải của một nghệ sĩ nào khác. "Tôi chắc chắn đã chứng kiến những lần mà bạn kiểu như: 'Chà, anh hơi gồng quá rồi. Thôi nào, hãy là chính mình'".
Vladimirskiy nhấn mạnh rằng anh ấy thích nhà tạo mẫu, nhưng cũng như với nhiếp ảnh gia, điều quan trọng là phải đảm bảo bạn tìm được người phù hợp. Nếu bạn là người bụi bặm và mạnh mẽ, đừng chống lại phong cách đó, hãy chấp nhận nó. "Thật tuyệt khi có một nhà tạo mẫu. Nhưng bạn cũng cần một nhà tạo mẫu hiểu bạn như chính ban nhạc của bạn", anh nói. "Bạn không thể thuê một nhà tạo mẫu cố nhét bạn vào một bộ cánh chỉ bởi nó ngầu. Điều đó sẽ thất bại, phản tác dụng và bạn trông sẽ giống như một chú chim cánh cụt".
Trang điểm? Tùy bạn thôi
Cũng giống như với nhà tạo mẫu, chi thêm tiền thuê chuyên gia trang điểm có thể là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Vladimirskiy nhấn mạnh rằng các nghệ sĩ không nên cảm thấy bị áp lực phải chi tiêu quá đà hoặc phải khoác lên lớp trang điểm không phù hợp.
"Điều này thực sự còn phụ thuộc nhiều yếu tố", anh nói. "Đôi khi bạn trông rất tuyệt khi trang điểm, đặc biệt là về tính thẩm mỹ tổng thể. Điều đó phụ thuộc vào bản thân nghệ sĩ nếu họ muốn. Bản thân tôi không phải là kiểu: 'Bạn phải trang điểm thật hoàn hảo, bạn phải khoác lên mình hết những thứ này bởi bạn là nhạc sĩ'. Thẩm mỹ thị giác của bạn phải liên quan đến con người của bạn".
Như mọi khi, các nghệ sĩ không nên cảm thấy bị áp lực phải làm bất cứ điều gì mà họ cảm thấy không chân thực.
"Bạn phải trung thực và minh bạch về bản thân", anh chia sẻ. "Trang điểm thường là điều bắt buộc đối với phụ nữ. Và tôi không nghĩ rằng điều đó là công bằng, cả những thứ như làn da hoàn hảo hay lớp trang điểm hoàn hảo. Đó không phải là cuộc sống của người ca sĩ. Nếu họ cảm thấy thoải mái khi trang điểm và thích trang điểm, thì họ trang điểm. Nếu không thích thì tại sao phải cưỡng ép bản thân".
Đừng ngại chơi lớn
Khi ra mắt album đầu tiên hoặc ký hợp đồng với một hãng thu âm nhỏ, các ban nhạc có thể không có đủ tiền để thuê những nhiếp ảnh gia có tiếng như David LaChapelle hay Anton Corbijn. Nhưng sao bạn lại không thử liên hệ với họ? Các nhiếp ảnh gia âm nhạc trước hết cũng là những người hâm mộ âm nhạc. Mặc dù nuôi hy vọng không phải là một ý kiến hay nhưng bạn vẫn có thể gặp may. Tất nhiên là bạn phải giỏi.
Vladimirskiy nói rằng "có rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng chắc chắn sẽ chụp ảnh cho các ban nhạc nhỏ". Ví dụ: nhiếp ảnh gia Danny Clinch, một cộng sự thân thiết của ban nhạc rock Pearl Jam, đã chụp ảnh cho Johnny Cash và 2Pac. "Ông ấy là người có thể bước vào phòng thay đồ của Springsteen hoặc bước lên sân khấu bất kể ban nhạc nào đang biểu diễn", anh nói. "Tôi đã thấy ông ấy chụp ảnh cho các bạn nhạc mà tôi nghĩ rằng: 'Không đời nào họ có đủ tiền thuê Clinch'. Ông ấy làm vì đam mê. Điều này nghe có vẻ hơi cổ lổ sĩ nhưng tôi nghĩ ông ấy làm vậy vì ông ấy cho rằng: "Những người này xứng đáng có cơ hội. Mình đã kiếm đủ tiền rồi'".
Có ý tưởng rõ ràng
Vladimirskiy thừa nhận rằng anh ấy có những sở thích và những điều khiến anh ấy thấy khó chịu. Anh ấy sẽ rất bực mình mỗi khi thấy tay chân bị cắt trong ảnh. Tuy nhiên, anh ấy thừa nhận rằng không có quy tắc thực sự để tạo nên một bức ảnh đẹp. Về lý thuyết, bạn có thể làm gì cũng được, miễn là người chụp và nghệ sĩ có một ý tưởng rõ ràng và hợp lý.
"Tôi không thích dép xỏ ngón. Nếu nghệ sĩ đang đi dép xỏ ngón và dạo bước trên đường phố Manhattan, tôi nghĩ ai đó nên nói: 'Nghe này, tôi biết đó là phong cách cá nhân của bạn, nhưng nó trông hơi xuề xòa'. Nhưng đi dép xỏ ngón trong bùn thì lại quá ngầu. Vấn đề nằm ở bối cảnh. Và quan trọng hơn cả là bức ảnh".
Tuyệt đối đừng làm những điều sau
Mặc dù về lý thuyết, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng có một số điều mà Vladimirskiy khuyến cáo người mới nên tránh.
1) Đừng chụp ảnh phía trước tường gạch
"Này anh bạn, chẳng phải chúng ta đã thấy cảnh này cả triệu lần rồi sao?"
2) Đừng làm mặt ngầu
"Cả nam lẫn nữ đều làm mặt đó", anh nói. Tôi sẽ nhắc họ: 'Bạn có thể thả lỏng cơ mặt được không?'"
3) Thật tuyệt khi có ý tưởng nhưng cũng đừng bỏ qua kiến thức cơ bản
"Tôi đã thấy một số ảnh bìa album mang phong cách thập niên 80 và thậm chí là thập niên 90 rồi tự hỏi: 'Không ai có ý kiến gì à? Bức ảnh tệ quá...' Ở đâu mà người ta lại mặc đồ cướp biển thế này".
4) Đừng quên anh bạn công cụ tìm kiếm
"Hãy thử tìm hiểu một chút. Đừng chỉ làm việc với những tên tuổi lớn. Bạn nên tìm hiểu họ bởi nếu anh ta có vài bộ xương trong tủ quần áo thì sao? Bạn hẳn không muốn điều đó. Trong thời đại này, đây là lời khuyên hết sức nghiêm túc".
– Michael Tedder
Spotify for Artists giúp bạn phát triển cộng đồng người hâm mộ cần thiết để đạt được mục tiêu.